Làm kiến trúc ở Việt Nam – Dưới góc nhìn của một KTS nước ngoài
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm đầu của thế kỷ 21, đến nay công ty tư vấn của Đức mà tôi đang công tác đã hoạt động trên thị trường Việt Nam được 12 năm và đã thiết kế cũng như giám sát thi công nhiều công trình cả lớn và nhỏ. Trong thời gian đó, tôi đã làm việc với nhiều đồng nghiệp Việt Nam cũng như các đồng nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi đã có một cái nhìn tương đối sâu về thực tế hành nghề tư vấn thiết kế tại thị trường kiến trúc đặc biệt sôi động như thế này.
Bài viết này tôi muốn chia sẻ những thách thức mà các đơn vị kiến trúc nước ngoài làm việc ở Việt Nam phải đối mặt, đồng thời cũng muốn tóm tắt một số kinh nghiệm của cá nhân tôi để hướng tới sự hội nhập của thị trường kiến trúc Việt Nam.
Những thách thức
1. Phương thức tiếp cận dự án:
Ngay từ những ngày đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, chiến lược tìm kiếm và phát triển dự án của chúng tôi hầu hết thông qua các cuộc thi tuyến kiến trúc và đấu thầu. Đối với chúng tôi, các cuộc thi thiết kế hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và mới mẻ cho các dự án xây dựng rất quan trọng. Mười năm trước đây, các cuộc thi Quốc tế do Việt Nam tổ chức luôn có các chuyên gia nước ngoài tham gia Hội đồng tuyển chọn. Điều này khiến cho các đơn vị tư vấn nước ngoài đã rất có niềm tin và sự nhiệt tình cống hiến hết mình cho Việt Nam những ý tưởng có giá trị. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư chi phí thậm chí còn nhiều hơn giá trị giải thưởng để tham gia các cuộc thi tuyển. Tuy nhiên kết quả các cuộc thi lại không được như mong đợi và phần nhiều thiệt thòi thuộc về các Đơn vị tư vấn nước ngoài. Chính vì vậy để các Đơn vị tư vấn nước ngoài tiếp tục tham gia các cuộc thi tuyển kiến trúc tại Việt Nam thì phải sớm cải thiện tính minh bạch và tính quốc tế trong khâu tổ chức thì chúng ta mới có được những sản phẩm kiến trúc có giá trị.
2. Chi phí thiết kế: Hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại hai mô hình tính toán:
a. Chi phí tư vấn thiết kế được tính dựa trên chi phí xây dựng và được tính ở mức tối đa là 2% (!!!) Mô hình này sẽ phải thay đổi trong những năm tới, bởi vì tỷ lệ 2% đó theo cách tính quốc tế là không phù hợp. Ở châu Âu, chi phí thiết kế cao hơn 4 đến 5 lần so với mức 2% của Việt Nam. Bằng cách nâng cao thiết kế phí, KTS có thể thuê các nhà thầu chuyên môn độc lập khác, chẳng hạn nhà tư vấn mặt đứng, nhà tư vấn về bếp, nhà tư vấn thiết kế ánh sáng tham gia vào nhóm thiết kế để đảm bảo một sản phẩm thiết kế đạt chất lượng chuyên môn cao, đa dạng song lại thống nhất. Trong tình hình như hiện nay, không có điều khoản trong quy định về chi phí thiết kế, vì vậy sẽ được miễn phí cho khách hàng.
b. Chi phí thiết kế được xác định dựa trên dự tính công việc theo ngày công trong tháng thuộc phạm vi dự án. Đây là một mô hình mang tính quốc tế và được công nhận, nhưng tại Việt Nam lại có nguy cơ cao bởi vì tiến trình của một dự án thiết kế phụ thuộc vào nhiều yếu tố không được đảm bảo chắc chắn về thời gian triển khai. Và khách hàng không sẵn sàng đàm phán về một phụ lục nếu vượt quá thời gian dự kiến. Đặc biệt là trong việc giám sát tác giả có thể dẫn đến sự chậm trễ không thể đoán trước, do đó sẽ dẫn tới sự hủy bỏ các hoạt động và điều này sẽ gây tổn thất về chất lượng xây lắp.
3. Vấn đề bản quyền:
Phần mềm là dụng cụ quan trọng nhất mà một KTS phải dùng, và phần mềm này cũng thường xuyên phải thay đổi, nâng cấp hay cập nhật. Chỉ riêng phần mềm Render như 3DMax cần đầu tư ít nhất 4.000 đô-la Mỹ/ 1 máy. Nhiều văn phòng thiết kế nhỏ ở Việt Nam do không chịu nổi chi phí cao này đành phải dùng các phần mềm không hợp pháp. Đối với một đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài thì mọi phần mềm được sử dụng phải có bản quyền và chúng tôi đã phải dành một khoản kinh phí cực kỳ lớn đối với đối với việc này. Đây là một sự khó khăn quá lớn trong cạnh tranh về chi phí thiết kế phí đối với các đồng nghiệp Việt Nam. Chủ đề này ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa thị trường ở Việt Nam, và mức chi phí thiết kế cần phải được xem xét lại.
Một vấn đề nữa là nhiều đơn vị tư vấn Việt Nam sẵn sàng thiết kế ý tưởng miễn phí để được triển khai thiết kế bản vẽ cơ sở và bản vẽ thi công. Trong khi đó, những đơn vị nước ngoài sau khi thiết kế ý tưởng thì sản phẩm hầu hết sẽ được chuyển giao “miễn phí” cho các đơn vị tư vấn địa phương thực hiện các công đoạn tiếp theo. Như vậy là chủ đầu tư đã có được ý tưởng của tư vấn nước ngoài mà không hề mất chi phí.
4. Lộ trình phê duyệt thiết kế:
Quá trình phê duyệt rất không minh bạch và gắn liền với nhiều rủi ro. Thông thường bên tư vấn không nhận được nhiệm vụ thiết kế hoặc nếu có nhận được thì không đầy đủ từ phía chủ đầu tư, và những nhiệm vụ thiết kế này thường rất khác biệt với khả năng phê duyệt dự án, vì khách hàng của bên tư vấn thường xuyên tìm kiếm “các giải pháp đặc biệt”, mà những giải pháp này lại rất thường xuyên dẫn đến những thiết kế mới, và vì “các giấy phép đặc biệt” lại không thể luôn được cấp. “Đặc biệt” chủ yếu liên quan đến chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hoặc chuyển đổi chức năng sử dụng. Ở đây, cần có những giải pháp kiện toàn được đề xuất áp dụng trong những năm tới, các giải pháp này sẽ cho phép quá trình phê duyệt trở nên thống nhất.
Những chia sẻ về việc quản lý một đơn vị tư vấn kiến trúc nước ngoài tại Việt Nam
1. Môi trường làm việc và văn hoá công ty là yếu tố rất quan trọng tạo nên cảm hứng làm việc cho các KTS:
Trong những năm vừa qua, tôi đã thăm nhiều văn phòng kiến trúc và nhận thấy rằng chất lượng của chỗ làm việc cho KTS không đảm bảo, không đạt tiêu chuẩn cần thiết. Một KTS không chỉ cần một chỗ để màn hình máy tính mà còn rất cần một chỗ để kiểm tra những bản vẽ khổ A0 được in ra hoặc làm trên mô hình kiến trúc. Thêm nữa, chỗ làm việc cần phải đủ ánh sáng và môi trường làm việc phải có tính chất sáng tạo, với nhiều không gian thoáng để tạo ra một cảm giác hưng phấn cho các nhân viên cũng như các khách hàng đến giao dịch, đồng thời cũng tăng thêm sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp, bởi vì một nhân viên trung thành sẽ dành 1/3 quãng đời của mình để làm việc và cống hiến cho doanh nghiệp đó.
2. Kế hoạch phát triển sự nghiệp lâu dài cho một KTS sẽ tạo sự phát triển cho doanh nghiệp một cách bền vững:
Từ kinh nghiệm của chúng tôi, hiện tại chỉ có một số ít văn phòng thiết kế kiến trúc đảm bảo một sự nghiệp lâu dài cho nhân viên của mình. Chúng tôi đã làm việc với nhiều KTS chuyên môn giỏi, trình độ cao, nhưng sau một thời gian phát triển nhất định họ đã thôi việc và chuyển vị trí dưới áp lực xã hội, và tại vị trí quản lý mới đó họ không thể tiếp tục phát triển chuyên môn của mình. Một KTS chỉ có thể tích lũy được vốn quý kinh nghiệm sau cỡ 20 hành nghề, kinh nghiệm đó sẽ bảo đảm chất lượng cũng như độ an toàn trong thiết kế. Sự phát triển liên tục của tính phức hợp trong việc thiết kế đòi hỏi phải suy nghĩ lại trong việc hoạch định sự nghiệp và trong cơ cấu tiền lương, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của một công ty.
3. Kế thừa các quy chuẩn xây dựng quốc tế:
Để thực thi một định hướng tư vấn thiết kế hiện tại và bền vững về mặt môi trường, Việt Nam hiện còn thiếu các tiêu chuẩn thống nhất và định mức. Trong những năm qua, đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và thống nhất các tiêu chuẩn, đặc biệt là về tiết kiệm năng lượng và xây dựng bền vững. Đối với các KTS, đây là điều cần thiết. Khi có một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, để mang đến một tiêu chuẩn cao cho công tác tư vấn thiết kế và tránh những sự hiểu nhầm giữa các bên ngay từ đầu của quá trình thiết kế.
4. Bảo vệ quyền tác giả cho các sản phẩm thiết kế:
Bản quyền tác giả được bảo vệ sở hữu trí tuệ – tức là các thiết kế của một KTS, trong trường hợp mà có thể bản thiết kế không được thực hiện vì không ký kết được hợp đồng với một chủ đầu tư công trình. Tại Việt Nam chúng tôi thường xuyên gặp phải những trường hợp cả bản thiết kế hoặc một phần của bản thiết kế được sử dụng tiếp hoặc bị thay đổi mà tác giả các bản thiết kế đó không hề hay biết. Một nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới là cần thực thi luật bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nếu điều này không được thực hiện thì văn hóa kiến trúc sẽ tiếp tục mất đi dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo, vì việc sao chép và bắt chước không ngừng diễn ra.
5. Hợp tác liên ngành và phân định rõ ràng các dịch vụ thiết kế:
Để đạt tới một tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong công tác thiết kế, trước hết đòi hỏi phải có một phân định rõ ràng và sự chuyên môn hóa của các công việc trong dịch vụ tư vấn kiến trúc. Đối với các công trình phức tạp hơn thì các chuyên gia được tham gia sâu hơn. Một đối tượng thiết kế có thể có đến 10 – 15 nhà tư vấn chuyên môn khác nhau. Ở đây không chỉ có kết cấu hay cơ điện mà còn liên quan đến thiết kế mặt đứng, thiết kế bếp, thiết kế sân khấu, thiết kế ánh sáng,… Để có thể phát triển thiết kế này ở một mức độ cao đòi hỏi có một phương pháp làm việc định hướng theo nhóm, cùng tìm kiếm các giải pháp về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Ở đây, các KTS đóng vai trò trung tâm, một mặt đề ra phương hướng và cuối cùng là kết hợp tất cả các đề xuất thiết kế. Vai trò này của các KTS trong những năm tới sẽ phải gia tăng.
Kết luận
Bày viết ngắn này trình bày rõ quan điểm cá nhân của tôi, làm thế nào để thay đổi theo hướng cải thiện nghề nghiệp của các KTS trong những năm tới, trên lộ trình hướng tới một nền văn hóa kiến trúc Việt Nam mang tính quốc tế cao. Chắc chắn, không chỉ có yếu tố thị trường hay là các văn phòng KTS cần đóng một vai trò tích cực hơn, mà còn có cả cơ quan lập pháp, cơ quan phải có trách nhiệm quy định về thiết kế phí, thi hành luật bản quyền, tổ chức các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc và ban hành tiêu chuẩn xây dựng… Bản thân các KTS đương nhiên phải đóng góp một phần lớn cho nền văn hóa kiến trúc. Để đạt được điều này, họ đang nỗ lực tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn ngay trong văn phòng thiết kế của mình, tổ chức bộ máy nhân sự và phân công công việc tốt hơn, nhấn mạnh các yếu tố bản quyền tác giả, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn xây dựng còn thiếu và nâng cấp các mức thiết kế phí không còn phù hợp với thực tiễn.
Bài viết của "KTS Torsten Illgen – Chủ tịch Công ty TNHH Inros Lackner Việt Nam"
Nguồn: tapchikientruc.com.vn